VĂN BẢN MỚI
Hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung:
Ngày 29/07/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐCP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP. Theo đó, bổ sung trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các trường hợp sau thì được hoàn thuế:
– Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.
– Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành chưa phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.
– Dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành không phải có giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.
Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/09/202
Gia hạn thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”), thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”), thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”) và tiền thuê đất trong năm 2022:
Ngày 28/05/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 34/2022/NĐCP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022.
(Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ)
Quy trình quản lý, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, khởi tạo từ máy tính tiền:
Ngày 23/8/2022, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 1391/QĐ-TCT về Quy trình quản lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Theo đó, quy trình quản lý thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được quy định chi tiết như sau:
Bước 1: Trong thời gian 15 phút kể từ khi nhận được Tờ khai Mẫu số 01 /ĐKTĐ-HĐĐT (phụ lục kèm theo Quyết định 1391), Cổng điện tử tự động đối chiếu thông tin trên Tờ khai số Mẫu số 01 /ĐKTĐ-HĐĐT. Căn cứ vào kết quả đối chiếu, Cổng điện tử tự động tạo thông báo về việc tiếp nhận/ không tiếp nhận tờ khai/ thay đổi thông tin sử dụng HĐĐT (Mẫu 01 /TBTNĐT), ký, gửi NNT theo địa chỉ thư điện tử của NNT đã đăng ký và qua tổ chức truyền nhận.
Bước 2: Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày Cổng điện tử gửi thông báo về việc tiếp nhận, trường hợp NNT đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền thì Hệ thống HĐĐT-CTĐT tự động đối chiếu các nội dung thông tin trên Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT.
Bước 3: Căn cứ kết quả đối chiều bước 1, 2, công chức bộ phận tiếp nhận thông tin đăng ký và dữ liệu hóa đơn điện tử xác nhận chấp nhận hoặc từ chối và nhập lý do từ chối. Hệ thống HĐĐT-CTĐT tự động thông báo về việc chấp nhận/không chấp nhận đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng HĐĐT.
Bước 4: Ban hành thông báo Mẫu số 01/TB-ĐKĐT tại phụ lục ban hành kèm gửi NNT.
Bước 5: Cập nhật danh sách NNT sử dụng/ngừng sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
(Quyết định 1391/QĐ-TCT áp dụng đối với các cơ quan thuế khi triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP , Nghị định 41/2022/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC)
Không bắt buộc lập hóa đơn riêng cho hàng hóa được giảm 2% thuế GTGT từ 20/06/2022:
Ngày 20/06/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP với nội dung sửa đổi Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP nhằm gỡ bỏ quy định phải lập riêng hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế GTGT. Cụ thể:
– Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ.
– Riêng các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi bán hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm.
– Trường hợp từ ngày 01/02/2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (20/06/2022), doanh nghiệp đã lập chung hóa đơn hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT với các loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất khác thì vẫn được giảm thuế GTGT và không phải điều chỉnh lại hóa đơn, không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
(Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/06/2022 của Chính phủ)
Quy định mới về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động:
Từ 01/07/2022, theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng theo các vùng như sau:
– Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng);
– Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);
– Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
– Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).
Nghị định quy định thêm mức lương tối thiểu theo giờ được áp dụng như sau:
– Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
– Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
– Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
– Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Ngoài ra, so với Nghị định số 90/2019/NĐ-CP trước đây, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đã bỏ quy định về việc mức lương tối thiếu của người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
(Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/06/2022 của Chính phủ)
VĂN BẢN HƯỚNG DẪN
Hướng dẫn về xử lý hóa đơn điện tử trường hợp giảm trừ giá trị quyết toán:
– Trường hợp Công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có phát sinh nghiệp vụ giảm trừ giá trị quyết toán công trình (Công trình đã được Công ty lập hóa đơn giấy để giao cho người mua năm 2018), thì:
– Đối với hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mã hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính
Công văn số 40840/CTHN-TTHT ngày 18/08/2022 cục thuế TP. Hà Nội
Xử lý hóa đơn giấy bị sai sót sau khi đã áp dụng hóa đơn điện tử:
– Trường hợp hóa đơn đã lập (theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP) với giá bán là giá tạm tính tại thời điểm ký hợp đồng, sau đó phát sinh điều chỉnh giá bán thì người bán và người mua thực hiện như sau:
+ Lập văn bản ghi rõ sai sót;
+ Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;
+ Lập hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm
– Trường hợp phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót, thực hiện khai bổ sung theo quy định tại Điều 47, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
(Công văn số 25024/CTHN-TTHT ngày 01/06/2022 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT:
Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 01/06/2022 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế GTGT, trốn thuế để xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hoá đơn nhằm thu lợi bất chính.
Một số biện pháp thực hiện bao gồm:
– Rà soát, phân loại các doanh nghiệp có rủi ro về hoá đơn thông qua các dấu hiệu nghi vấn (Một số dấu hiệu, hành vi vi phạm tại Phụ lục kèm theo công văn).
– Đối với hoá đơn phục vụ cho khấu trừ, hoàn thuế, nếu phát hiện có dấu hiệu mua bán hoá đơn nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng thì thông báo cho doanh nghiệp biết để kê khai, điều chỉnh thuế GTGT.
– Phối hợp giữa các cơ quan thuế trong việc xác minh hoá đơn, nguồn gốc hàng hoá, trả kết quả trong vòng 10 ngày làm việc.
(Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 01/06/2022 của Tổng cục Thuế)
Sử dụng Hóa đơn Giá trị gia tăng (“GTGT”) điện tử cho hàng hóa xuất khẩu:
– Về việc sử dụng hóa đơn GTGT điện tử cho hàng hóa xuất khẩu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
+ Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn thương mại để làm thủ tục hải quan và xuất khẩu hàng hóa theo thông lệ quốc tế. Không có quy định phải phát hành thêm hóa đơn GTGT điện tử để làm thủ tục xuất khẩu;
+ Thời điểm phát hành hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu là sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu. Vì vậy, tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu, chưa thể phát hành hóa đơn GTGT để nộp trong bộ hồ sơ hải quan. Theo đó, hóa đơn thương mại sẽ được phát hành trước thời điểm làm thủ tục hải quan còn hóa đơn GTGT điện tử sẽ được phát hành sau.
– Tổng cục Hải quan không hướng dẫn người khai hải quan nộp hóa đơn GTGT điện tử trong bộ hồ sơ xuất khẩu.
(Công văn số 2054/TCHQ-GSQL ngày 03/06/2022 của Tổng cục Hải quan)
Tài trợ hiện vật cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19:
– Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài để tài trợ thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN đối với giá trị hiện vật tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP.
– Pháp luật về thuế TNDN không có quy định tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản tiền thuế GTGT không thu được tiền trên hóa đơn tài trợ bằng hiện vật.
(Công văn số 1585/TCT-CS ngày 16/05/2022 của Tổng cục Thuế)
Tiền hỗ trợ phòng, chống Covid-19 nhận được từ việc giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp:
Không tính thuế TNCN Trường hợp doanh nghiệp sử dụng toàn bộ số tiền được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để hỗ trợ người lao động phòng chống Covid-19 theo đúng Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì không phải khấu trừ thuế TNCN đối với các khoản chi này.
(Công văn số 22148/CTHN-TTHT ngày 16/05/2022 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Rút vốn bằng tài sản:
– Trường hợp cá nhân góp vốn thành lập công ty, sau đó rút vốn bằng tài sản thì công ty thực hiện lập hóa đơn GTGT theo mức thuế suất GTGT tương ứng của từng tài sản.
– Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT và thuế TNDN theo quy định.
(Công văn số 25536/CTHN-TTHT ngày 03/06/2022 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Cho thuê kho, bãi không được giảm 2% thuế GTGT:
Trường hợp dịch vụ cho thuê kho, bãi thuộc dịch vụ cho thuê nhà và quyền sử dụng đất không để ở quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì không được giảm 2% thuế GTGT theo quy định.
(Công văn số 25532/CTHN-TTHT ngày 03/06/2022 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Chính sách thuế đối với khoản lãi vay ngân hàng và khoản lãi cho cá nhân vay:
– Trường hợp Công ty của Bà Nguyễn Thị Hiền đã góp đủ vốn điều lệ, nếu Công ty vay tiền của Ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phần chi phí trả lãi tiền vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay thì khoản chi trả lãi tiền vay này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
– Trường hợp Công ty của Bà Nguyễn Thị Hiền phát sinh hoạt động cho vay riêng lẻ (cho các cá nhân trong Công ty vay tiền) thì hoạt động này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Khi thu tiền, Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi rõ thu lãi tiền vay dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch chéo theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC và điểm 2.1 khoản 2 Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công văn số 3269/CTHN-TTHT ngày 26/01/2021 cục thuế TP. Hà Nội
Hướng dẫn về việc triển khai Nghị định số 38/2020/NĐ-CP về lương tối thiểu:
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết với người lao động có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định số 38/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Cụ thể, đối với quy định về việc mức lương tối thiếu của người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng: mặc dù điều này không còn được quy định tại Nghị định 38/2020/NĐ-CP, trong trường hợp công ty đã có thỏa thuận hoặc cam kết (ví dụ như: cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, các thỏa thuận hợp pháp khác) với người lao động về nội dung này thì vẫn phải tiếp tục thực hiện.
(Công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 17/06/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
Xác định thu nhập miễn thuế TNCN đối với phần tiền lương làm thêm giờ:
Trường hợp công ty chi trả cho người lao động tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết theo đúng quy định tại Bộ luật Lao động thì thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động được xác định là thu nhập miễn thuế TNCN.
(Công văn số 21884/CTHN-TTHT ngày 13/05/2022 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Chi phí được trừ đối với khoản thanh toán cho NLĐ những ngày phép chưa nghỉ:
Trường hợp Công ty có chi trả khoản tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm của người lao động phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 4 và không thuộc các khoản chi không được trừ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Công văn 39064/CTHN-TTHT ngày 9/8/2022 Cục thuế TP. Hà Nội